Lan man về “hội nghị”

Có một câu chuyện thú vị từ cách đây 1 năm mà bây giờ mới có hứng kể lại. Số là, trong lần tham dự hội nghị khoa học về động đất vào đầu tháng 3 năm ngoái, tui rất ấn tượng trước một đề tài thuộc lĩnh vực động đất xã hội học (socio-seismology) về một viễn cảnh xảy ra động đất kinh hoàng quanh khu vực Tokyo, khi đó các nhà máy sản xuất bị ngưng trệ, công việc hành chính bị ảnh hưởng… Tui ngồi tưởng tượng những điều tồi tệ sẽ xảy ra thế nào, bla bla. Đùng một cái, sau đó 1 tuần động đất xảy ra thiệt(!). Thiêng gì đâu!

Mới đó đã 1 năm trôi qua. Đến hẹn lại lên, hội nghị tiếp tục tái ngộ. Câu chuyện hôm nay, tui không bàn đến cái hội nghị này, mà tui muốn điểm lại cái hoạt động gọi là “dự và báo cáo tại hội nghị” của tui trong mấy năm qua(!?!). Đầu tiên là tui muốn…khoe cái hội trường nhỏ gọn nhưng khá sang trọng này của trường tui. Về quy mô diện tích cũng chỉ tương đương A106, nhưng có thiết kế nội thất hài hòa, đẹp mắt. Tui rất thích phần bố trí ánh sáng và phông nền sân khấu.

Việc tổ chức hội nghị khoa học là chuyện “thường ngày ở huyện” đối với các trường đại học. Cho nên, trái ngược hoàn toàn với khung cảnh cờ hoa biểu ngữ rực rỡ như bên mình, với những sự xuất hiện rất quan cách cùng những bài phát biểu dài lê thê của các bậc lãnh đạo…, không khí hội nghị chỉ có thể nhận ra nội bộ trong khuôn viên nơi tổ chức.

Hội nghị hàng năm của Architectural Institute of Japan (8/2010, Toyama)Hội nghị hàng năm của Architectural Institute of Japan (8/2010, Toyama)

Việc tham dự và gửi bài báo cáo tại hội nghị là một hoạt động đương nhiên của sinh viên cao học, giáo sư, cũng như các đội ngũ nghiên cứu khác. Do đó, từ năm thứ hai ở bậc học (tức là hơn 2 năm nay) tui phải đi nghe và trình bày báo cáo tại vô vàn các hội nghị lớn bé khác nhau, trong và ngoài nước Nhật.

Để dễ hình dung, một hội nghị bao giờ cũng có 1 phòng họp lớn dành cho các tiết mục quan trọng, điểm nhấn. Song song với đó là các phòng thuyết trình cỡ vừa và nhỏ, phục vụ cho các thể loại đề tài báo cáo khác nhau. Số lượng bài báo cáo phản ánh quy mô của hội nghị. Trên 100 bài được xem là quy mô lớn. Cá biệt có hội nghị với vài nghìn lượt báo cáo (thứ lạ lùng này chắc chỉ có ở Nhật).

Hội nghị ACEE lần 4 (3/2012, Tokyo)Hội nghị ACEE lần 4 (3/2012, Tokyo)

Và vì thế, việc đảm bảo giờ giấc hội nghị diễn ra theo đúng lịch trình đã đề ra được thực hiện nghiêm ngặt. Về điều này, phải tôn người Nhật là sư phụ! Thử tưởng tượng với cái hội nghị đến vài nghìn lượt báo cáo, chỉ diễn ra trong 2-3 ngày, nếu không có quy định thời gian chính xác thì không thể hoàn tất được. Cách mà người Nhật tổ chức như sau: giới hạn rõ thời lượng (số phút) cho 1 phần trình bày, bao gồm thời gian nói và thời gian trả lời câu hỏi. Có bộ phận bấm chuông báo 1 phút trước khi kết thúc, báo kết thúc phần nói để chuyển sang phần hỏi đáp, báo hết thời gian hỏi đáp. Cứ răm rắp như thế mà làm. Bởi thế mà nhiều người nước ngoài lần đầu dự hội nghị ở Nhật không khỏi bỡ ngỡ và luôn bị cắt phần trình bày vì lố giờ.

Hội nghị ACEE lần 3 (12/2010, Bangkok)Hội nghị ACEE lần 3 (12/2010, Bangkok)

Như tui đã nói trong phần đầu, hội nghị khoa học là nơi tập trung những bộ óc chuyên môn. Nơi đó, tất cả bình đẳng như nhau, không có cao thấp, kính thưa kính gửi. Việc tổ chức hội nghị khoa học là một hoạt động chuyên môn, do đó không nên hành chính hóa, nghi lễ hóa, rườm rà hóa không cần thiết. Mở rộng hơn, quan niệm này cũng nên áp dụng đối với việc tổ chức các buổi bảo vệ tốt nghiệp trong trường đại học, kể cả bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ. Khi đó, nhân vật quan trọng nhất là người báo cáo, chứ không phải người tham dự hay người chấm điểm.

Hội nghị hàng năm của PEER (9/2011, Berkeley, US)Hội nghị hàng năm của PEER (9/2011, Berkeley, US)

Tui là một đứa có thể tạm gọi là có khả năng viết lách, nhưng cái khoản nói năng thì lại vô cùng kém. Càng dự nhiều hội nghị, càng trình bày nhiều báo cáo, tui càng phát hiện ra khả năng nói của tui càng tệ hại T__T . Vì một điều quan trọng, ngay từ quãng thời gian phổ thông, rồi đại học, không mấy thầy cô chú ý rèn luyện cho sinh viên kỹ năng nói và thuyết trình, bởi chính thầy cô (như tui chẳng hạn!) còn thiếu phương pháp. Do đó, tui sẽ biến kinh nghiệm đau thương của bản thân thành hành động, sau này về trường, tui sẽ mở một nhóm huấn luyện kỹ năng nghiên cứu và trình bày nghiên cứu khoa học.

Cuối cùng, như thông lệ là vài hình ảnh tự cuồng của tui:

Mấy bạn có thấy một điều đặc biệt là tên tui luôn được in đúng trật tự tiếng Việt trên mấy cái thẻ này không? Vụ này thì những ai thường làm giấy tờ liên quan đến tiếng Anh hay mắc phải nè, đó là lẫn lộn lung tung giữa họ, tên đệm, tên lót. Tui mặc kệ hết, chẳng thèm quan tâm. Ai mà khai tên tuổi theo đúng cái phân loại này, bảo đảm lúc in tên ra sẽ hầm bà lằng. Người Việt mình gọi nhau bằng tên, không như các nước gọi nhau bằng họ. Do đó, tui quan niệm tên là họ, và họ là tên(!?).

—————————————————————————————————————

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 1 năm thảm họa Nhật Bản, tui muốn khép lại bài viết nhảm linh tinh này bằng một vài câu kết ấn tượng mà tui được nghe trong hội nghị vừa rồi. Sóng thần, động đất hay bất kỳ thiên tai nào khác là điều con người không thể tránh khỏi. Vậy ta phải làm gì?

“Biển cả tươi đẹp và hữu tình. Hãy tìm cách chung sống hài hòa với biển cả bằng trí tuệ (wisdom) và thành tựu khoa học (technology) do chính chúng ta tạo ra”

“Nhà cửa đổ sập sẽ thành rác. Đừng để những công trình xây dựng từ chỗ mang lại cho ta nguồn lợi (profit) phút chốc biến thành xà bần (debris) khi thảm họa ập tới”

Thiên nhiên không thể quật ngã trí tuệ con người. Quả thực, tui khâm phục người Nhật.

(11/3/2012)

2 bình luận về “Lan man về “hội nghị”

    1. Khả năng dễ bị in lộn xộn nhất là phần tên đệm, hay bị đẩy ra sau cùng. Do đó, để chắc ăn nhất theo kinh nghiệm của anh, nên gắn kèm nó vào họ (VD: Nguyen-Hoang), hoặc vào tên (VD: Hoang-Minh).

Gửi phản hồi cho gininside Hủy trả lời