Một thoáng San Francisco (5)

Có thể nói, chuyến đi Mỹ lần này là một chuyến đi kỳ lạ nhất từ trước tới nay của tui. Nó kỳ lạ bởi nhiều lẽ oái oăm và lận đận tưởng chừng như không bao giờ có thể trở thành hiện thực. May mắn là sau cùng thì tui đã có một chuyến đi đáng nhớ ngoài mong đợi. Bài viết sau cùng của loạt bài này sẽ tổng hợp vài câu chuyện linh tinh trên cuộc hành trình đã qua của tui đến San Francisco.

Kỳ cuối: “Lost in San Francisco”

Nếu như tui đến Mỹ ở một thời điểm nào đó trước thời điểm hiện tại thì tui có thể sẽ nghĩ khác và cảm nhận khác. Nhưng, dòng đời đưa đẩy, tui đến với nước Mỹ từ một điểm xuất phát là nước Nhật. Thành ra, tui không còn bị choáng ngợp hay cuốn hút bởi những thứ lấp lánh hào nhoáng. Mặt khác, tui lại có cái nhìn khắt khe hơn, đối chiếu, so sánh và chấm điểm!

Công bằng mà nói, ở đâu cũng vậy. Ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới, có chỗ sạch đẹp gọn gàng, đồng thời cũng có chỗ bẩn thỉu nhiều mối nguy rình rập. Tới Mỹ không sợ ăn xin, mà chỉ sợ ăn cắp. Tui chụp ảnh trên đường, ít nhất 3 lần đã được người qua đường nhắc nhở giữ gìn cẩn thận máy ảnh. Xét theo tiêu chí này thì mức độ văn minh của xã hội Mỹ cần phấn đấu bằng Nhật.

 Hệ thống đường sá và phương tiện giao thông công cộng ở San Francisco khá hoàn thiện. Có tàu điện ngầm, tàu điện nổi, xe điện (tram), xe bus tạo thành mạng lưới đồng bộ. Tuy nhiên, chất lượng xây dựng các công trình xét về mặt thẩm mỹ là kém hơn nhiều so với Nhật. Tàu điện, xe bus bẩn thỉu, người dân xếp hàng đợi tàu không ý thức cao như ở Nhật.

Trên những con phố lớn, mặt đường nham nhở y chang đường phố Sài Gòn. Gập ghềnh và lồi lõm. Đèn xanh đèn đỏ thì loạn xạ. Vạch sơn đường cũng lem nhem không kém.

Giá cả hàng hóa và thức ăn ở đây rẻ hơn so với Nhật. Đây là ưu điểm duy nhất mà tui đánh giá cao của San Francisco. Tuy nhiên, nhân viên phục vụ mang nhiều nét giống cung cách Việt Nam, không kính cẩn chu đáo như kiểu Nhật.

Tới đây, tui muốn kể về một vài kỷ niệm ngộ nghĩnh của tui trong thời gian ở San Francisco.

Là một chú tài xế xe bus tốt bụng, cho tui đi một quãng đường dài mà không lấy tiền. Số là, như tui đã kể trong bài trước, tui muốn đi tới cầu Golden Gate, theo lộ trình chỉ dẫn tìm xe bus cầm trên tay, ra hiện trường nó không có giống chút xíu nào hết. Tuyến cần tìm thì chỉ hoạt động giờ cuối tuần. Chuyển sang tuyến khác thì phải đi bộ cả cây số để tới trạm xe bus. Đi lòng vòng cả buổi, tui vẫn chưa thể tìm được xe. Nhắm chắc là đầu hàng, may sao tui lơ ngơ đứng đúng trạm có biển chỉ dẫn “Golden Gate Transit”. Một chiếc xe bus với số hiệu lạ hoắc (không phải số hiệu tui cần tìm) dừng lại. Chú tài xế hỏi tui muốn đi đâu. Nghe tui nhắc đến Golden Gate, là ân cần mời tui lên xe. Tới màn trả tiền, tui lụm bụm trong đám tiền xu, gom hết lại thì chưa bằng giá vé, trả tiền chẵn thì máy không thối. Thấy tui lơ ngơ tội nghiệp, chú tươi cười cho tui miễn trả tiền.

Là một bác phụ nữ tốt bụng khác, cho tui tờ 1$ để trả tiền xe bus khi tui thiếu tiền lẻ để trả tiền xe trên chuyến đi ngược về (lần này chú tài xế không tốt bụng như chú tài xế trước, chăm chăm đòi lấy tiền). Tui cảm ơn bác bằng cách gửi tặng bác tờ 1000 yen (lúc này trong túi tui không có tờ nào khác), nhưng bác từ chối. Tui vô cùng cảm kích, vì nếu bác nhận thì bác được lời khẳm luôn(!). Tui nói vui thế thôi, nhưng quả thực khi gặp được những người tốt bụng như vậy, tui có cảm tình hơn với San Francisco và với người Mỹ.

Là cảm giác thèm cơm đến cháy bỏng(!) trước hằng hà sa số burger, bánh mì và bơ sữa các loại. Mặc dù là khách sạn cao cấp hạng xịn ở Berkeley, nhưng bữa ăn nào cũng toàn là bánh mì và bánh quy. Tới tận ngày cuối cùng, tui mừng như chó thấy xương, khi được phục vụ món cơm Mã Lai gì đó, mùi vị thấy ghê, nhưng vẫn hạnh phúc vô cùng, vì nó là cơm!

Cùng với những kỷ niệm ngộ nghĩnh như trên là một số kinh nghiệm gom góp về việc du lịch bụi ở Mỹ, chia sẻ với những ai có hứng thú đến nước Mỹ. Những kinh nghiệm này được rút ra từ chính vấp váp của bản thân tui, sau những tình huống bi hài khóc dở mếu dở mà chuyện đi xe bus vừa rồi là một ví dụ.

Kinh nghiệm làm hồ sơ xin visa: đặt lịch hẹn sớm nhất có thể, lỡ như lịch hẹn quá muộn, thì dùng chiêu năn nỉ (bằng hình thức gửi yêu cầu “emergency appointment”, hoàn toàn miễn phí, chớ gọi điện vì sẽ tốn tiền). Một chi tiết nữa cũng nên chú ý là hình thẻ nộp trong hồ sơ phải khác với hình chụp trong passport(!). Tính tui hay tiết kiệm dù biết là sai (xài 1 hình thẻ cho tất cả), cuối cùng thành ra phí phạm, vì phải chụp lại hình thẻ trong đại sứ quán với giá cắt cổ! Hồ sơ đầy đủ giấy tờ thì rất dễ thông qua, không khó khăn như tưởng tượng lúc đầu.

Kinh nghiệm đi phương tiện công cộng: thủ sẵn tiền lẻ (các tờ 1$) để đi xe bus, dùng tiền xu rất lung tung và khó chịu, không đếm nổi(!). 10 cent thì lại ghi là 1 dime, tương tự 25 cent thì là 1 quarter. Tui loạn cả lên. Giờ chạy tàu hay xe bus rất ư là tào lao. Đừng tin những gì ghi trên bảng thông báo. Cần linh hoạt với tình hình thực tế để tùy cơ ứng biến. Mạnh dạn hỏi đường người dân, trúng trật chưa biết nhưng họ rất nhiệt tình chỉ dẫn(!). Tùy vào linh cảm của bản thân rồi tự sàng lọc ra lộ trình.

Kinh nghiệm ăn uống: vì lượng thức ăn phục vụ cho một suất ăn theo chuẩn của Mỹ không nhiều mà là…vô cùng khổng lồ, cho nên với những ai hay tiếc của (như tui chẳng hạn) cần thủ sẵn hộp, túi đựng để mang đồ ăn chưa dùng hết về. Đừng cố gắng ăn hết. Ăn xong hết, đứng dậy có khi xỉu tại chỗ! Một bữa ăn bảo đảm no cả ngày. Ăn uống tại quán thì lưu ý trả kèm thêm tiền tip.

Đôi lời cuối cùng, tui xin dành ít dòng cho nước Mỹ và văn hóa Mỹ. Nước Mỹ với tui xưa giờ vẫn vậy. Chưa bao giờ tui bị hấp dẫn một cách mãnh liệt. Không có những cảm xúc rưng rưng quý mến. Cũng chẳng phải là điểm đến ước mơ trên hành trình bay nhảy của tui. Nước Mỹ trong mắt tui tựa như một cô gái mắt xanh tóc vàng thơm mùi nước hoa, tay cầm chiếc bánh ham burger, ngúng nguẩy mời gọi.

Tui ngưỡng mộ lối suy nghĩ thẳng thắn và tư duy thực dụng của người Mỹ. Tui thán phục những thành tựu khoa học vĩ đại của người Mỹ. Nhưng, tui sẽ chết mất nếu tui phải sống giữa những vùng hoang mạc bao la cỏ cháy. Tui sẽ chết no trong những bữa ăn khổng lồ đầy mùi bơ sữa. Tâm hồn tui sẽ đơ như trái bơ khi xung quanh đâu cũng nghe thấy nhạc hippi hoặc bắt gặp những áo đen cảnh sát đầy dữ dằn. Tui bị lạc lõng giữa nước Mỹ.

Dẫu sao, tui cũng hạnh phúc vì được một lần đặt chân đến xứ này.

Tạm biệt San Francisco. Tạm biệt nước Mỹ.

Tạm biệt và hẹn gặp lại các bạn trong những chuyến hành trình sắp tới của tui.

(Photo: Kiendzang, 9/2011)

Bình luận về bài viết này