Kiendzang & Đạo diễn

“Đạo diễn” là công việc đòi hỏi nhiều ở tư duy sáng tạo và khả năng phối hợp nhuần nhuyễn các khâu thành phần trong quá trình thực hiện tác phẩm. Câu chuyện “Top 4” lần này tui sẽ bàn về những đạo diễn mà tui yêu thích.

Ở mảng phim điện ảnh, tui đặc biệt đánh giá cao Nguyễn Quang Dũng. Đằng sau cái vẻ “khùng” bất cần của anh, đằng sau những bộ phim ồn ào và náo động của anh, là một cái đầu chịu khó tìm tòi và dám nghĩ dám làm để tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật mới lạ, có giá trị nội dung, có chất lượng nghệ thuật, và có khả năng bán vé! Có nhiều người phân định rằng có hai dòng phim nghệ thuật và phim thị trường, thì với Nguyễn Quang Dũng tui xếp anh ở một nhóm thứ ba là “phim thị trường một cách nghệ thuật”. Anh tự viết kịch bản, tự tung hoành với mọi ý tưởng bay bổng của mình. Phim của anh “hài” nhưng không phô, nhẹ nhàng nhưng không thiếu những thông điệp gửi gắm.

Vị trí đạo diễn phim truyền hình thuộc về Vũ Ngọc Đãng với “Tuyết nhiệt đới”. Cho đến nay thì tui đánh giá đây là bộ phim truyền hình hiếm hoi đạt được các tiêu chí yêu thích của tui như: nội dung nhân văn, hình ảnh đẹp, bối cảnh, màu sắc, ánh sáng, âm nhạc chọn lọc, câu chuyện độc đáo. Cũng giống như Nguyễn Quang Dũng, hầu hết phim của Vũ Ngọc Đãng đều do anh tự tay viết kịch bản. Dĩ nhiên ở anh còn yếu về khả năng kể chuyện và xây dựng xung đột, nhưng tui đánh giá cao tố chất tỉ mỉ của anh về mặt hình ảnh và bối cảnh. Nhờ đó mà phim của anh vượt lên mang dáng vẻ khác với đa số phim truyền hình mọc lên như nấm khác.

Trên sân khấu ca nhạc, tui xin được nhắc về một người đã khuất, Huỳnh Phúc Điền. Có thể nói, anh là người tiên phong trong việc xông pha áp dụng thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại cho các chương trình ca nhạc trong nước. So với những người cùng thời thì anh có một kho ý tưởng dồi dào mà ít ai sánh bằng. Uy tín của loạt chương trình “Duyên dáng Việt Nam” thời Huỳnh Phúc Điền mãi là cái nấc mà chương trình này những năm về sau không thể nào với tới được.

Ở mảng kịch nói, tui muốn nhắc đến Thành Lộc, lần này trên vai trò đạo diễn. Dù Thành Lộc chưa thể xứng với hàng trăm cây đa cây đề trên lĩnh vực này, nhưng tui lại chọn anh vì khả năng tạo sức hấp dẫn cho sân khấu kịch. Anh không dàn dựng nhiều, nhưng một khi đã dàn dựng là vở diễn của anh đều gây được tiếng vang. “Trắng xanh vàng đỏ”, “Bí mật vườn Lệ Chi” hay “Ngàn năm tình sử” đầy màu sắc và âm nhạc, không hòa lẫn với bất kỳ phong cách dàn dựng nào khác, chỉ có thể được tạo ra bởi Thành Lộc.

Bốn gương mặt này, mỗi người một lĩnh vực, nhưng hội chung ở một điểm đó là tinh thần sáng tạo và tư duy mới lạ, không thỏa hiệp với những thứ tầm thường. Mỗi tác phẩm trước và sau khi xuất hiện đều có khả năng thu hút dư luận, khiến công chúng phải tò mò đón chờ và bình phẩm. Sự đón nhận của công chúng là thước đo chính xác nhất cho tài năng của người nghệ sỹ. Và người nghệ sỹ đích thực phải là người ý thức được và có khả năng mang lại cái đẹp, cái thẩm mỹ, cái nhân văn tới đa số công chúng.

Bình luận về bài viết này